Đi lễ đầu năm là phong tục đẹp của người Việt. Đi lễ, trước là để cầu nguyện, sau là để vãn cảnh, du xuân. Dưới đây là những điểm đến tâm linh hút khách tour du xuân 2018 bậc nhất của Thủ đô mà du khách không thể bỏ qua trong lịch trình du xuân.
1. Chùa Quán Sứ (số 73 phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Được xây dựng từ thời vua Lê Thế Tông, chùa Quán Sứ ngày nay đã hơn 500 năm tuổi. Từng là trụ sở trung tâm cả Tổng hội Phật giáo Bắc Kì, nay là trung tâm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngôi chùa này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Phật giáo nước nhà. Tiêu biểu nhất có thể kể tới sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam và sự hòa nhập giữa Phật giáo trong nước với Phật giáo thế giới...
Trong tiết trời se lạnh đầu năm, bước qua cửa tam quan và 11 bậc thềm, khách đi lễ chùa sẽ bước vào một không gian lịch sử, trang nghiêm, thanh tịnh, chiêm ngưỡng những câu đối được viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ và cầu nguyện cho một năm mới bình an, hạnh phúc.
2. Đền Quán Thánh (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội)
“Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương…”. Câu ca dao trên đã vô cùng quen thuộc với không chỉ người dân Hà thành, mà còn cả du khách bốn phương.
Nhưng mấy ai biết rằng, “Trấn Vũ” trong câu thơ trên chính là đền Quán Thánh, nơi thờ một trong bốn vị thần trấn giữ thành Thăng Long xưa: Huyền Thiên Trấn Vũ. Cùng với đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đến Quán Thánh đã trở thành một trong “Thăng Long tứ trấn”, bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất của xứ Tràng An. Đặt tại nơi đây là pho tượng đồng cao hơn 4m của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần được tôn kính trong tâm thức dân gian với rất nhiều giai thoại ly kì, đã nhiều lần bảo vệ cứu nguy cho đất nước. Tới đền, du khách có thể chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của di tích nằm bên bờ hồ Tây này.
3. Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Từ lâu, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đài Nghiên, tháp Bút… đã trở thành một quần thể kiến trúc nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế. Hiếm có một quần thể kiến trúc nào hội tủ đủ cả sự tôn nghiêm, trang trọng về mặt tâm linh lẫn sự hài hòa, đặc sắc về mặt kiến trúc và mỹ thuật như vậy.
Bởi vậy, quần thể này đã trở thành một trong những biểu tượng của xứ kinh kì, trở thành dấu ấn đầu tiên trong lòng những ai tới Hà Nội. Tới đây, du khách có thể cầu công danh, sự nghiệp trước vị thần cai quản văn chương khoa cử Văn Xương Đế Quân, vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh quan nên thơ, suy ngẫm về những ý nghĩa được “Thần Siêu” Nguyễn Văn Siêu gửi gắm qua đài Nghiên, tháp Bút, đình Trấn Ba, lầu Đắc Nguyệt… mà nhà nho kiệt xuất đã dày công thiết kế từ cách đây 2 thế kỉ.
4. Chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội)
Tồn tại qua hơn một thiên niên kỉ rưỡi, chùa Trấn Quốc là ngôi chùa có tuổi đời lớn nhất tại Hà Nội. Ngôi chùa ra đời cũng là lúc khai sinh nhà nước Vạn Xuân của vua Lý Nam Đế, bởi vậy ban đầu chùa có tên Khai Quốc.
Trải qua hơn 1500 năm với nhiều lần trùng tu, di dời, ngôi chùa giờ đây không chỉ nổi tiếng bởi sự lâu đời, mà còn bởi kiến trúc được sắp xếp trình tự và tuần thủ những yêu cầu nghiêm ngặt của kiến trúc Phật giáo. Kết hợp với cảnh quan thanh nhã, hài hòa của hồ Tây thơ mộng, chùa Trấn Quốc đã được xếp vào 1 trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do Dailymail bình chọn năm 2016. Ngày xuân, đi lễ và thăm quan ngôi chùa cổ kính bậc nhất Việt Nam với vẻ đẹp kiến trúc nức tiếng gần xa cũng là một trải nghiệm thú vị để bắt đầu một năm mới.
5. Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội)
Quần thể Chùa Hương thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Tới chùa Hương, du khách không chỉ để lễ chùa, cầu bình an mà còn là để thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ của núi non nơi đây. Hai địa điểm chính thu hút đông đảo du khách tới thăm nhất là động Hương Tích và chùa Thiên Trù. Ngoài ra, quần thể chùa Hương còn rất nhiều ngôi đền, chùa nổi tiếng như chùa động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng,…
Hiện nay, chùa Hương đã có cáp treo cho du khách tiện tham quan đi lại. Tuy nhiên, du khách du lịch chùa Hương 1 ngày có thể chọn cho mình cách tự leo núi, hít thở bầu không khí trong lành vào sáng sớm, lần lượt ghé thăm các ngồi đền chùa rải rác trên sườn núi cũng là một cách tỏ lòng thành kính, thưởng ngoạn phong cảnh thú vị. Từ mồng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm là thời điểm diễn ra lễ hội Chùa Hương.
6. Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội)
Hàng năm, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến xuân về, không chỉ rất nhiều người dân Hà Nội mà còn có cả khách thập phương tới thăm phủ Tây Hồ. Nhiều người tin rằng tới phủ Tây Hồ đầu năm có thể cầu được may mắn, tài lộc trong năm mới.
Phủ nằm trên một bán đảo của làng Nghi Tàm, nhô ra Hồ Tây, nơi đây thờ bà chúa Liễu Hạnh. Ghé thăm phủ Tây Hồ là du khách có thể tận hưởng cả bầu không khí trong lành thoáng đãng của hồ Tây, hòa mình trong tiết trời mùa xuân với những cơn gió mát đầu mùa.
7. Đền Dầm (Thường Tín, Hà Nội)
Đền Dầm thuộc thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Hội đền Dầm được tổ chức vào thời điểm đầu năm, từ ngày mồng 1 đến ngày 10 tháng 2 âm lịch. Trong đó, ngày hội chính là ngày mồng 5, với nhiều nghi thức cũng như những hoạt động độc đáo của ngôi đền như lễ rước nước, múa rồng, múa sư tử, kéo chữ,…
Đền Dầm có kiến trúc cổ, không gian thoáng đãng với cây cối và hồ nước. Cột đền được làm bằng gỗ, mái đền phủ những lớp ngói đã bạc màu thời gian. Trong khuôn viên của đền còn được trồng nhiều cây cổ thụ, trong đó có cây đa tới nay đã hơn 100 tuổi. Đến với đền Dầm vào dịp đầu xuân là để du khách du lịch sông Hồng Hà Nội tìm đến một mảnh đất thanh bình, linh thiêng, cầu mong cho một năm mới bình an, mạnh khỏe.
8. Đền Bạch Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Thời nhà Lý, nhà Trần nổi tiếng về thờ phụng và tôn sùng Phật giáo vì vậy các tăng lữ thời bấy giờ luôn rất được tôn trọng, ngoài ra còn cho lập nên rất nhiều đền thờ, cho tới ngày nay còn lưu giữ được rất nhiều ngôi đền cổ kính. Nằm trong số đó là ngôi đền Bạch Mã, được coi là ngôi đền cổ và linh thiêng nhất Hà Nội, đền nổi tiếng với giai thoại xây thành của vua Lý Thái Tổ, sau khi xây thành công rồi vua cho lập đền thờ để tạ ơn thần Long Đỗ.
Ngôi đền tọa lạc tại phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Được xây từ năm 866 đến năm 1010 thì hoàn thành, hiện nay đền còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ, các nghi lễ xưa. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chú ngựa thần ở các tòa điện chính, nếu đến đúng vào dịp lễ hội bạn sẽ được xem các nghi thức cúng lễ và tìm hiểu văn hóa tôn giáo của Việt Nam.
9. Chùa Phúc khánh (Đống Đa, Hà Nội)
Nằm tại số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, chùa Phúc khánh có tiếng là thiêng liêng đối với người dân Hà Nội. Được xây dựng dưới thời Hậu Lê nhưng do chịu nhiều tổn thất từ các cuộc chiến tranh, nên chùa bị phá hủy và được phục dựng lại để tưởng nhớ lại những ngày tháng gian khổ đã được nhà chùa giúp đỡ của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Ngôi chùa nổi tiếng này đã gắn liền với cuộc chiến của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, là nơi trú ẩn của quan quân triều đình nhà Nguyễn trong việc đánh thắng quân Thanh. Chùa đã trở thành nơi cúng lễ và ban may mắn cho mọi người vào các dịp lễ hay những dịp cầu may đầu năm
10. Chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội)
Chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu, tọa lạc tại quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Chùa được xây dựng năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền, khi đang lo lắng vì đã cao tuổi mà vẫn chưa có hoàng tử thì một đêm, vua nằm mơ thấy Phật Bà hiện trên đài sen trong hồ nước, tay bế một đứa con trai trao vua.
Thời gian sau, hoàng hậu hạ sinh một hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Để ghi ân điều này, vua đã cho xây một ngôi chùa có dáng dấp hoa sen trong hồ nước và đặt tên là Diên Hựu. Chùa chỉ có một gian được đặt trên một trụ giữa hồ sen. Điểm nhấn của ngôi chùa nằm ở họa tiết và kiến trúc độc đáo trông như một bông sen trên mặt nước, dân gian quen gọi là chùa Một Cột.
Hiện chùa nằm trong cụm tham quan lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – ao cá, nhà sàn Bác Hồ - chùa Một Cột và bảo tàng Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét