Xôi trắng thật mềm, thật thơm, chả mực từng chiếc nhỏ chiên vàng đều, ăn giòn sần sật. Véo một miếng xôi, cắn thêm miếng chả mực, trải nghiệm của nhiều người lần đầu đến với Quảng Ninh là “rất đã”.
Một du khách du lịch Tuần Châu Hạ Long nhìn không chớp mắt vào khay chả mực nóng hôi hổi người đầu bếp đang chiên, chưa kịp thấm giấy dầu. “Chị, chị cho em ăn thử một miếng trước đi!”. Miệng nói, tay bốc, bạn tôi nhón hai ngón tay, hít hà miếng chả còn loáng dầu ăn, chấm vào chén tương ớt đỏ rồi phồng má cắn. Nhồm nhoàm nhai bởi miếng chả còn rất nóng, cô gái vẫn gật gù, “giòn, ngọt, cho em thêm cái nữa”.
Đó là chả mực giã tay trứ danh của Quảng Ninh. Sức hút của nó mạnh đến nỗi, chỉ cần đặt chân đến bất cứ khu chợ hải sản nào lơn lớn một chút ở vùng đất này, bạn cũng sẽ thấy xuất hiện những tấm biển quảng cáo “chả mực”, “chả mực giã tay”, “chả mực Hạ Long nguyên chất”. Vì sao phải giã tay, ấy là bởi vì miếng chả mực khi cắt nhỏ ra đĩa hay khi người ta cầm tay, chấm tương ớt ăn nóng, dư vị đọng lại vẫn là cái giòn sần sật rất vui tai, thích miệng.
Chả mực chấm tương ớt ăn vã cũng khoái chí. Một người lúc đói có thể chén một lúc cả 3, 4 cái chả mực loại to (loại 100 gr được 2 chiếc). Chả mực chiên vàng, chấm nước mắm hạt tiêu nguyên chất ăn với cơm cũng thích. Nhưng đến Quảng Ninh, người ta thường tìm ăn hai món ăn gần gũi và thông dụng nhất ở đây là chả mực bánh cuốn và chả mực xôi trắng.
Nói gần gũi vì nó được bán trong những hàng quán đơn sơ ngoài vỉa hè, hay trong những con ngõ nhỏ hẹp của TP Hạ Long, phục vụ khách ăn buổi sáng.
Nói thông dụng vì dịp lễ, Tết, giỗ chạp hay ngày nghỉ, các gia đình tại Hạ Long, Quảng Ninh cũng tự đồ xôi, chiên chả mực, cầu kỳ một chút nhưng được món ăn ngon.
Nếu đến Quảng Ninh, bạn hỏi quán Cây Bàng trong một con ngõ nhỏ trên phố Lê Thánh Tông. Quán nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng nườm nượp người chờ đến lượt có phần chả mực xôi trắng hay chả mực bánh cuốn. Phố Đoàn Thị Điểm khu Rạp Hát cũng là địa chỉ có thể thưởng thức món ngon này ở Hạ Long. Mỗi phần ăn giá trung bình khoảng 30.000 đồng.
Mực làm chả cần mực mai, mình dày, làm sạch rồi đem vào giã đến khi mực vừa có độ kết dính, không giã nhuyễn mịn. Cho cả tua mực vào để chiếc chả được giòn hơn. Bỏ thêm gia vị, tỏi, hạt tiêu, nặn thành từng chiếc vừa ăn rồi chiên ngập trong chảo dầu.
Nói thì đơn giản vậy nhưng để làm ra được chiếc chả mực như ý cần cả bí quyết trong lúc chọn mực, giã, nhào nặn cùng các phụ gia.
Một người làm chả mực lâu năm ở Hạ Long còn cho hay, trước khi đem chiên, cần cho hỗn hợp mực đã giã vào ngăn đá tủ lạnh một khoảng thời gian, sau đó mới cho hỗn hợp ra, làm mềm rồi nặn, chiên, để chiếc chả có độ nở phồng, đẹp mắt.
Xôi ăn cùng chả mực cần dẻo, mềm nhưng không nát. Cho thêm chút nước cốt dừa để hạt gạo bóng và miếng xôi thơm. Chớ ăn khi xôi đã nguội, chả cũng lạnh tanh, món ăn thật vô duyên. Xôi đặt một đĩa riêng. Chả mực đặt một đĩa riêng. Không cần rưới thêm nước hành mỡ gì cho món chả mực xôi trắng đang thơm ngút ngàn, du khách tour du lịch Quan Lạn chỉ việc véo xôi, cắn thêm chả. Ăn cay có thể thêm tương ớt để đưa vị cho đồ biển, thế thôi mà cứ xuýt xoa.
Trời thu lành lạnh này, ngồi xuống một chiếc bàn con, nhìn phần xôi trắng nghi ngút khói, những chiếc chả còn bóng loáng dầu chiên, nghe í ới tiếng trẻ con, người lớn gọi đồ ăn, một ngày mới Hạ Long bình yên quá…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét